Như chúng ta đã biết, thương hiệu là sự khác biệt dễ nhận thấy nhất trên thị trường giữa các tổ chức kinh doanh. Việc tăng sự nhận diện giúp doanh nghiệp không chỉ đạt được sự ủng hộ đông đảo người tiêu dùng mà xác suất bán được hàng cũng được cải thiện và nâng cao từ đấy tăng doanh số và lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn khá mơ hồ về phạm vi thương hiệu của mình hoặc việc tận dụng lợi thế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, bài viết này sẽ giới thiệu các bước tiếp cận được sử dụng để cập nhật – theo dõi – phân tích các góc nhìn toàn diện để nâng cao nhận diện thương hiệu
Những cuộc hội thoại là nguồn thông tin rất bổ ích để biết được tình hình thị trường
Các phương pháp tiếp cận
Lượng thảo luận (Buzz volume)
Trong thời đại số, sự phát triển các trang mạng xã hội có phạm vi người dùng rộng lớn như Facebook, Meta, Tik Tok,… thì việc doanh nghiệp tổ chức các kênh giao tiếp là đúng với xu hướng hiện nay. Ngoài việc đó là công cụ để tương tác, giới thiệu các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ thì đấy còn là nơi để xem các mục bình luận, lắng nghe ý kiến người dùng thông qua bình luận công khai qua các lượt “Thích – Phản hồi”. Từ đó, các nhãn hàng biết được góc nhìn từ người tiêu dùng đang hài lòng hay không hài lòng với thông tin liên quan đến nhãn hàng.
Thị phần thảo luận (Share of voice)
Thị phần thảo luận các nền tảng xem phim trực tuyến
“Thương trường như chiến trường” là câu nói rất nổi tiếng để so sánh sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ trên các kênh bán hàng truyền thống mà còn trên cả nền tảng số. Các đối thủ cạnh tranh cũng ứng dụng phương pháp thảo luận thì việc so sánh tỷ lệ xuất hiện thảo luận của thương hiệu mình so với tổng số các đối thủ cạnh tranh rất là quan trọng và tiên quyết. Sự gia tăng tỷ lệ này được ví như để giành lấy “mảnh đất” trong các cuộc chiến tranh và đo lường bằng cách lấy số tương tác thương hiệu của bạn trên tổng số tương tác của các thương hiệu trong ngành.
Nội dung thảo luận (Attribute, labels)
Nội dung thảo luận đóng vai trò thể hiện mức độ liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến thương hiệu doanh nghiệp. Với nội dung trực tiếp, người quản lý thương hiệu biết được mức độ quan tâm, sự tương tác, và ủng hộ của người dùng. Đây là cơ hội giúp gia tăng sự cộng hưởng khi độ thu hút đang tăng cao và có thể bổ sung nhiều những nội dung bổ trợ khác liên quan. Mặc khác, với những nội dung gián tiếp, thì việc gia tăng tỉ lệ thảo luận hoặc chuyển hướng người dùng sang tìm hiểu về thương hiệu là những điều rất đáng lưu tâm để tăng thị phần thảo luận.
Sắc thái thảo luận (Sentiment)
Sắc thái qua 3 mức độ tích cực, trung tính và tiêu cực
Các chỉ số, nội dung thu thập được từ social listening cũng cho thấy được sức khỏe của thương hiệu. Sức khoẻ thương hiệu được đánh giá là tốt khi các sắc thái thảo luận thể hiện sự ủng hộ, thái độ tích cực qua các phản hồi từ việc đóng góp, biểu lộ thích thú hoặc sắc thải trung tính qua các lượt thả biểu tượng cảm xúc. Cần lưu ý rằng, các sắc thái tiêu cực nên cần được tập trung, phân tích và đo lường. Nếu các sắc thái tiêu cực chiếm tỷ lệ lớn thì đây là biểu hiện một “bệnh lý” mà doanh nghiệp bỏ lỡ hoặc sai sót trong công tác “khám bệnh”.
Người dùng mục tiêu (Target audience)
Cuối cùng, người dùng mục tiêu trong ngành hàng là sự đóng góp những ý kiến, thái độ và nguồn định vị miễn phí nơi mà tổ chức kinh doanh có thể tận dụng. Doanh nghiệp cần thu thập, phân tích các dữ liệu về nhân khẩu học, tính cách, mong muốn của người tiêu dùng hay khách hàng hiện tại của mình để cải tiến, đánh giá sản phẩm, và ra sản phẩm mới. Có thể nói, người dùng mục tiêu chính là ban giám khảo cho cuộc thi “thương hiệu được ưu thích nhất hay thương hiệu làm tốt nhất” trong lòng người tiêu dùng.
Tổng kết
Với các bước từ lượng thảo luận, thị phần, nội dung, sắc thái đến người dùng mục tiêu là những cách tiếp cận từ công cụ Social Listening để doanh nghiệp có thể cập nhật được xu hướng thị trường, theo dõi hành vị và phân tích số liệu hiệu quả những vấn đề đang xảy ra bên ngoài mà doanh nghiệp không thể kiểm soát. Nếu thực hiện tốt và đầy đủ, đây chính là một lợi thế cạnh tranh khi xây dựng cho mình một cộng đồng thương hiệu luôn đảm bảo được sự ủng hộ nhiệt tình.