Cũng giống như thuật ngữ thương hiệu, việc phân loại thương hiệu cũng sẽ khác nhau theo các quản điểm khác nhau. Mỗi loại thương hiệu khác nhau sẽ có đặc tính khác nhau và đặc trưng cho một loại hàng hoá nhất định. Chính vì thế chiến lược xây dựng và phát triển cho từng loại thương hiệu cũng không hẳn giống nhau.
Theo cách tiếp cận của quản trị thương hiệu và marketing, thương hiệu có thể chia thành: Thương hiệu cá biệt; Thương hiệu gia đình; Thương hiệu tập thể; Thương hiệu quốc gia.
Thứ nhất, thương hiệu cá biệt (còn được gọi là thương hiệu cá thể, hoặc thương hiệu riêng) là thương hiệu của từng chủng loại hoặc từng tên hàng hoá dịch vụ cụ thể. Và như thế một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều loại hàng hoá khác nhau có thể có nhiều thương hiệu khác nhau, Mikka, Ông thọ, Hồng Ngọc, Redielac… là những thương hiệu cá biệt của công ty sữa Việt Nam.
Thứ hai, thương hiệu gia đình là thương hiệu chung cho tất cả các hàng hoá của một doanh nghiệp và như vậy mọi hàng hoá thuộc các chủng loại khác nhau đều mang thương hiệu như nhau, ví dụ: Honda gán cho tất cả các sản phẩm của Honda như ôtô, xe máy, động cơ… hay Yamaha, LG…
Thứ ba, thương hiệu tập thể (còn được gọi là thương hiệu nhóm) là thương hiệu của một nhóm hay một chủng loại hàng hoá nào đó, có thể do một cơ sở sản xuất hoặc do cơ sở khác nhau sản xuất và kinh doanh (thường trong cùng một khu vực địa lý, gắn với yếu tố xuất xứ, địa lý nhất định), ví dụ: nhãn lầu Hưng Yên, vang Bordaux, nước mắm Phú Quốc…
Thứ tư, thương hiệu quốc gia là thương hiệu gán chung cho các sản phẩm, hàng hoá của một quốc gia nào đó (nó thường gắn với những tiêu chí nhất định, tuỳ thuộc vào từng quốc gia, từng giai đoạn), ví dụ: Thai’s Brand là thương hiệu quốc gia của Thái Lan, Vietnam Value Inside là dự kiến thương hiệu quốc gia của Việt Nam… Thương hiệu này thường có khái quát và trừu tượng rất cao thường gắn liền với các loại thương hiệu khác.