Lịch sử hình thành và phát triển cây cà phê ở Việt nam

0
57

 

 

Cây cà phê lần dầu tiên đưa vào Việt Nam từ năm 1897 và được trồng thử từ năm 1888. Giai đoạn đầu, cà phê chủ yếu trồng ở Ninh Bình, Quảng Bình… đến đầu thế kỷ 20 mới được trồng ở Nghệ An và một số nơi ở Tây Nguyên. Từ 1920 trở đi, cây cà phê mới có diện tích đáng kể đặc biệt ở Buôn Ma Thuật, Đăklăk. Khi mới bắt đầu, qui mô các đồn điền từ 200-300ha và năng suất chỉ đạt từ 400-600kg/ha. Cho đến nay, diện tích cà phê trên cả nước khoảng 500.000 ha và sản lượng có khi lên đến 900.000 tấn. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới.

Cà phê trồng ở nước ta có bao gồm cà phê vối (Robusta) chiếm 90% diện tích, cà phê chè (Arabica) 10% và cà phê mít (Excelsa) 1%. Do cà phê vối có hàm lượng caffeine cao (2-4%) nên hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè (caffein 1-2%) nên giá chỉ bằng một nửa. Cây cà phê chè ưa sống ở vùng núi cao và thưòng được trồng độ cao từ 1000-1500 m, nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm. Cà phê vối ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp dưới 1000 m, nhiệt độ khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm và cần nhiều cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.

Một trong nhưng lý do diện tích cà phê vối cao hơn rất nhiều do chúng có sức sinh trưởng tốt và kháng được bệnh. Còn cà phê chè lại rất mẫn cảm với các bệnh như bệnh gỉ sắt (do nấm Hemileia vastatrix), bệnh khô cành, khô quả (do nấm Colletotrichum coffeanum và vi khuẩn Pseudomonas syringea, P. garcae), bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)…

Phương pháp cổ điển nhất để chọn giống cà phê bao gồm các bước tuyển chọn quần thể hoang dại tiếp theo lai, đánh giá sản lượng, lai ngược và lai giữa các loài. Nhược điểm của phương pháp này là thời gian lâu, thường khoảng 30 năm mới chọn ra được giống mới. Ngày nay, công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong cải tạo và chọn giống cà phê như nuôi cấy mô, chuyển nạp gen và đánh giá chất lượng cây giống bằng một số phương pháp sinh học phân tử cho kết quả nhanh chóng như RFLP, RAPD, SSR, STS…

Theo chiến lược của ngành cà phê Việt Nam sẽ giảm diện tích cà phê vối và tăng diện tích cà phê chè tuy nhiên vấn đề giống là vấn đề quan trọng nhất. Trước đây giống cà phê chè ở Việt Nam là giống Typica, Bourbon, Caturra amarello hoặc một số giống được trồng mang tính thí nghiệm như Mundo Novo, Catuai. Hiện nay, các vùng mới trồng cà phê chè đều thuộc giống Catimor nhưng giống này có nhược điểm hương vị thiên về cà phê vối nên cần phải nghiên cứu thêm. Với nhu cầu cấp bách hiện nay là cần có giống cà phê chè mới có hương vị thơm ngon và kháng được bệnh thì cần phải ứng dụng các tiến bộ khoa học trong tuyển chọn và nhân giống cà phê từ các nguồn nhập ngoại và sẵn có ở Việt Nam.